Trị vì Mã_Hy_Ngạc

Đến ngày Đinh Mùi (14) cùng tháng, tức 24 tháng 1 năm 951,[2] Mã Hy Ngạc xưng là Thiên Sách thượng tướng quân, Vũ An-Vũ Bình-Tĩnh Giang-Ninh Viễn[c 11] đẳng quân tiết độ sứ, Sở vương, chặt Lý Hoằng Cao và các quan viên khác cho binh sĩ ăn. Đến ngày Mậu Thân (15) cùng tháng, tức 25 tháng 1 năm 951,[2] Mã Hy Ngạc hỏi tướng lại "Hy Quảng là tên nhu nhược, là do cận thần khống chế hắn, ta muốn để cho sống, có được không?" Chư tướng đều không đáp lại, song Chu Tiến Trung vốn từng bị Mã Hy Quảng tống giam thì đáp rằng "Đại vương ba năm huyết chiến mới có được Trường Sa, một nước không dung hai chủ, ngày sau tất hối hận." Trong ngày, Mã Hy Ngạc ban chết cho Mã Hy Quảng. Mã Hy Nhạc cho con là Quang Tán giữ chức Vũ Bình lưu hậu, cho Hà Kính Chân làm Lãng châu nha nội đô chỉ huy sứ, đem binh phòng thủ nơi đó. Mã Hy Ngạc triệu Thác Bạt Hằng, muốn dùng người này, song Thác Bạt Hằng cáo bệnh từ chối[1]

Tháng 2 năm Tân Hợi (951), Mã Hy Ngạc khiển Chưởng thư ký Lưu Quang Phụ (劉光輔) cống nạp cho Hoàng đế Lý Cảnh của Nam Đường. Sang tháng sau, Lý Cảnh phong Hy Ngạc làm Thiên Sách thượng tướng quân, Vũ An-Vũ Bình-Tĩnh Giang-Ninh Viễn tiết độ sứ kiêm Trung thư lệnh, Sở vương, cho Hữu bộc xạ Tôn Thịnh (孫晟) và Khách tỉnh sứ Diêu Phụng (姚鳳) làm "sách lễ sứ". Khi Lưu Quang Phụ sang Nam Đường cống nạp, được Lý Cảnh tiếp đãi nồng hậu, đã bí mật kể "Hồ Nam dân mỏi chủ kiêu, có thể lấy được." Lý Cảnh do đó cho Biên Hạo (邊鎬) làm Tín châu[c 12] thứ sử, song cho đem quân đồn trú tại Viên châu[c 13], để chờ thời cơ tấn công.[3]

Mã Hy Ngạc sau khi chiếm được Trường Sa thì đắc chí, nhớ đến nhiều thù xưa, chém giết vô độ, ngày đêm say rượu hoang dâm, đem mọi sự vụ quân phủ uỷ thác cho Mã Hy Sùng. Mã Hy Sùng cai quản dựa theo cảm tính, khiến hệ thống pháp luật vấn loạn. Hơn nữa, phủ khố đã hết do loạn binh cướp bóc, nên họ tịch thu tài sản của dân để thưởng cho sĩ tốt, song sĩ tốt vẫn oán trách. Tuy tướng tá cũ của Lãng châu theo Mã Hy Ngạc đến Trường Sa, song họ cũng không phấn khởi, có sự ly tâm. Tiểu môn sứ Tạ Ngạn Ngung (謝彥顒) vốn là gia nô của Mã Hy Ngạc, do có diện mạo nên được Mã Hy Ngạc sủng ái, đến mức ngồi lẫn với thê thiếp của Mã Hy Ngạc, do đó cậy thế hống hách. Trong yến tiệc tại phủ, Tạ Ngạn Ngung nắm binh tại cổng ngoài, được Mã Hy Ngạc cho ngồi trên các tướng lĩnh, các tướng lĩnh đều oán giận. Mã Hy Sùng cũng bực bội với Tạ Ngạn Ngung.[3]

Do các phủ tại Trường Sa bị đốt trong nạn cướp bóc, Mã Hy Ngạc lệnh cho Tĩnh Giang chỉ huy sứ Vương Quỳ 王逵 và Phó sứ Chu Hành Phùng (周行逢) đem hơn nghìn binh sĩ đi tái thiết, công việc rất vất vả song không được ban thưởng, sĩ tốt đều oán. Vương Quỳ và Chu Hành Phùng lo ngại sĩ tốt làm loạn, nên ngày Nhâm Thân (11) tháng 3, tức 19 tháng 4, họ quyết định đem binh sĩ đào thoát về Lãng châu. Khi đó, Mã Hy Ngạc say chưa tỉnh, thuộc hạ không dám báo, sang ngày hôm sau mới báo cho ông. Mã Hy Ngạc khiển Chỉ huy sứ Đường Sư Chứ (唐師翥) đem hơn nghìn quân truy kích, song bị phục kích tại Lãng châu và thất bại. Vương Quỳ và Chu Hành Phùng phế truất Lưu hậu Mã Quang Tán, tôn Mã Quang Huệ (con của Mã Hy Chấn (馬希振)-trưởng tử của Mã Ân) làm Vũ Bình tiết độ sứ, song Vương Quỳ và Chu Hành Phùng kiểm soát sự vụ cùng với Hà Kính Chân và Chỉ huy sứ Trương Phỏng (張倣). Mã Hy Ngạc thuật lại tình hình cho Lý Cảnh, Lý Cảnh khiển sứ giả mang nhiều đồ thưởng đến Lãng châu nhằm chiêu dụ. Đám Vương Quỳ lấy đồ thưởng, trao trả sứ giả, và không theo chiếu chỉ của Lý Cảnh. Sang tháng 6 âl, Mã Quang Huệ bị phế, Thần châu thứ sử Lưu Ngôn trở thành lưu hậu. Sau khi Lý Cảnh từ chối phong chức tước, Lãng châu chuyển sang làm phiên thuộc của Hậu Chu.[3]

Mã Hy Ngạc sau khi chiếm được Trường Sa thì không thưởng cho Hứa Khả Quỳnh, ông nghi ngờ Hứa Khả Quỳnh oán trách nên cho Khả Quỳnh đi làm Mông châu [c 14] thứ sử, trong khi cho các tướng lĩnh là Từ Uy (徐威), Trần Kính Thiên (陳敬遷), Lỗ Công Quán (魯公館), và Lục Mạnh Tuấn (陸孟俊) đem quân lập trại ở phía tây bắc nhằm đề phòng bị quân Lãng châu tấn công. Tuy nhiên, các tướng lĩnh và sĩ tốt thấy Mã Hy Ngạc không thăm hỏi phủ dụ thì oán giận, mưu làm phản. Ngày Mậu Dần (19) tháng 9, tức 22 tháng 10,[2] Mã Hy Ngạc tổ chức yến tiệc đãi tướng lại, đám Từ Uy không dự, Mã Hy Sùng biết âm mưu nên cáo bệnh không đến. Đám Từ Uy dẫn quân làm phản, Mã Hy Ngạc trèo tường chạy trốn song bị bắt. Tạ Ngạn Ngung bị bắt và cắt xẻo thân thể. Các tướng sĩ lập Mã Hy Sùng làm Vũ An lưu hậu, giam cầm Mã Hy Ngạc tại Hành Sơn (衡山, nay thuộc Hành Dương, Hồ Nam). Bành Sư Cảo khi xưa được miễn tử, song bị đánh và biếm làm dân, Mã Hy Sùng cho rằng Bành Sư Cảo tất sẽ oán Mã Hy Ngạc nên sai người này đưa Mã Hy Ngạc đến Hành Sơn, muốn để Bành Sư Cảo giết Mã Hy Ngạc. Tuy nhiên, Bành Sư Cảo nói "Muốn khiến ta thành người giết vua sao!", và phụng sự cẩn trọng, đến ngày Bính Tuất, tức 30 tháng 10, thì đến nơi.[3]